TIN TỨC

Việt Nam và chút tản mạn về cà phê buổi sáng

Việt Nam và chút tản mạn về cà phê buổi sáng

Không biết từ bao giờ cà phê đã trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân Việt Nam đến thế. Vị đăng đắng, đằm đậm, mùi hương lan tỏa bên tách cà phê nóng khiến cho ai đôi lúc cũng phải ngất ngây...

/ca-phe-sang

Đôi điều tản mạn về cà phê

Cứ như thế, cà phê từ từ đi vào lòng người một cách sâu lắng và nhẹ nhàng. Người ta thường thưởng thức ly cà phê vào mỗi buổi sớm với một bản nhạc mình từng yêu thích hoặc trao đổi công việc cùng đối tác kinh doanh; có khi trò chuyện với bạn bè, gia đình vào những dịp lễ hay là buổi khởi đầu hẹn hò của đôi lứa yêu nhau… Cà phê đóng góp một phần không nhỏ trong mối quan hệ cộng đồng giữa cuộc sống và trong công việc riêng tư của cá nhân. 

Chúng có thể đoán biết được tính cách con người, văn hóa của mỗi vùng miền qua cách pha cà phê và sở thích uống đặc trưng. Ví dụ như người miền Bắc, chủ yếu uống cà phê pha phin, đen hoặc nâu nhưng không đậm đặc lắm và chỉ thích uống nóng mà thôi. Người miền Trung thì ngược lại uống cà phê rất đậm. Cái đậm ở đây tất nhiên không phải là cà phê sánh, đậm của hóa chất, mà đậm trong cách rang và pha chế. Nếu dùng theo ngôn ngữ chuyên ngành thì gout cà phê của người miền Trung là phải rang ở mức độ Full City Plus thì uống mới “phê” được.Kiểu pha chế phổ biến ở miền Trung là cho cà phê bột vào phin, chế nước sôi trực tiếp vào theo một định lượng nhất định rồi mới đem ra cho khách hàng. Một số người thích cái cảm giác chờ đợi, xem từng giọt cà phê tí tách rơi xuống ly trước khi thưởng thức. Sau khi cà phê rơi đến giọt cuối cùng thì hòa đường hoặc sữa rồi cho vào một ít đá để ngồi nhâm nhi. Riêng người miền Nam thường pha chế bằng cách bọc cà phê với số lượng nhiều vào túi vải rồi nấu trong nồi, sau đó mới cho ra ly, họ thích uống cà phê sữa đá hơn là uống nóng. Cách này khá nhanh và tiện lợi, phù hợp với cuộc sống hối hả đầy năng động của một thành phố trẻ.

 

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều cách pha chế cà phê khác nhau. Mỗi cách uống đều thể hiện văn hóa riêng của từng quốc gia. Chẳng hạn như Espresso là loại cà phê rất được ưa chuộng tại Tây Ban Nha. Loại cà phê này được pha bằng cách cho nước và ép dưới áp suất cao, chảy qua một lượng cà phê xay cực mịn, sẽ cho ra cà phê với một lớp kem từ dầu cà phê có màu vàng nâu sẫm (người ta gọi đó là crema). Espresso có vị rất đậm và trên mặt có một lớp crema thơm mà không đắng. Loại thức uống này thường được uống bằng tách dày được làm nóng trước, có thể có hoặc không pha thêm đường, thường được phục vụ kèm theo một mẩu bánh quy cùng một ly nước. Khá đông người lớn tuổi đều thích dùng loại cà phê này.

Còn Cappuccino là cách uống cà phê của người Italy. Một ly Cappuccino chuẩn sẽ gồm 3 phần đều nhau: cà phê Espresso được pha với một lượng nước gấp đôi (Espresso Lungo), sữa nóng và sữa sủi bọt. Tiếp đến, rắc thêm lên trên ít bột ca cao hay bột quế, rồi dùng muỗng vẽ tạo hình cho sản phẩm của mình, có thể là hình trái tim, chiếc lá, đám mây... Loại cà phê này rất thích hợp với giới trẻ.

Việt Nam chúng ta lại có phong cách thưởng thức cà phê rất riêng, họ không xem cà phê là thức uống nhanh, có tác dụng chống buồn ngủ như người Mỹ mà thưởng thức cà phê như một thứ văn hóa giải trí: nhâm nhi và suy tưởng. Ngồi bên tách cà phê, vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa đọc báo, vừa nghe nhạc… đồng thời còn để suy ngẫm về cuộc sống, về thân phận con người… nghe chừng khá độc đáo.

Một tách cà phê mỗi buổi sáng sẽ khiến ta cảm thấy sảng khoái hơn khi bước vào một ngày làm việc mới. Những giây phút thư giãn, bình yên bên tách cà phê cùng bạn bè, người thân vào những ngày nghỉ cuối tuần sẽ là quãng thời gian để mọi người họp mặt, chia sẻ những niềm vui, hạnh phúc, những lo toan, muộn phiền bởi công việc, cuộc sống… từ đó, càng giúp mọi người thêm gần gũi và hiểu nhau hơn.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77