TIN TỨC

TIẾP TỤC LẤY MẪU NƯỚC SÔNG ĐÀ GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội nhấn mạnh: "Nguồn nước sạch sông Đà đã được cung cấp lại, nhưng để đảm bảo chất lượng nước sạch tốt nhất thì thời điểm này nước do Công ty Sông Đà cung cấp chỉ để dùng cho sinh hoạt và các nhu cầu khác, trừ ăn uống”.

Vì thế, ngày 17/10, Công ty Sông Đà đã cấp nước trở lại cho người dân. Tuy nhiên tại thời điểm này, nước do Công ty Nước sạch sông Đà cung cấp chỉ phục vụ mục đích sinh hoạt, chưa dùng cho ăn, uống. Hà Nội sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm nước hằng ngày cho đến khi nguồn nước được đảm bảo an toàn cho ăn uống. Trước mắt, thành phố sẽ cung cấp nguồn nước sạch khác để phục vụ ăn uống của người dân.

Theo TS Cảm, lý do là do đường ống hoặc bể nước trong hộ dân có thể chưa kịp thau rửa và còn tồn tại nước cũ.

“Vì thế để đảm bảo chất lượng nước sạch tốt nhất thì thời điểm này nước do Công ty Sông Đà cung cấp chỉ để dùng cho sinh hoạt và các nhu cầu khác, trừ ăn uống”, tiến sĩ Cảm nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát chất lượng nước thường xuyên (tại nhà máy và hộ dân). Kết quả sẽ được công bố công khai để người dân biết. Tại nhà máy, Trung tâm sẽ lấy 4 mẫu tại 4 điểm: bể chứa nước thành phẩm, bể chứa nước trung gian tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, trạm điều tiết tại Tây Mỗ và tại họng nước kiểm soát- nơi đấu nối vào hệ thống nước của thành phố.

Theo tiến sĩ Cảm, việc lấy mẫu sẽ được tiếp tục cho đến khi đảm bảo chất lượng nước sạch tốt nhất, việc cấp nước trở lại bình thường thì sẽ chuyển sang giám sát định kỳ.

“Theo tôi được biết Nhà máy Nước sạch sông Đà đã hợp đồng với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp với sự cố tràn dầu để khắc phục dầu đổ trộm trên đầu nguồn. Đồng thời triển khai phao chuyên dụng để hút dầu trước khi nước vào nhà máy, tiến hành súc rửa toàn bộ đường ống…”, tiến sĩ Cảm chia sẻ.

Với những biện pháp khắc phục này ông hy vọng người dân sẽ sớm có nguồn nước sạch để ăn uống.  Đến nay Trung tâm đã lấy tổng cộng 22 mẫu nước để xét nghiệm.

Trước đó, ngày 10/10, nhận được thông tin về việc nguồn nước sạch có mùi, Trung tâm đã đi kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 11/10, Thành phố tổ chức đoàn kiểm tra toàn diện chất lượng nước sinh hoạt của Công ty Nước sạch Sông Đà. Kết quả các mẫu xét nghiệm trong hai ngày này cho thấy nồng độ styren cao hơn ngưỡng cho phép 1,3-3,66 lần. Giới hạn cho phép là không quá 20 microgam /lít.

Chiều 14/10, Trung tâm tiếp tục lấy mẫu nước của nhà máy, hộ dân. Chiều 16/10, Trung tâm phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường Y tế, Bộ Y tế phân tích và xác định 107/107 chỉ tiêu xét nghiệm đều năm trong giới hạn cho phép.

Styren là một hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, gần như không tan trong nước và là một Hidrocacbon thơm không no. Nó tồn tại trong môi trường sống xung quanh như có trong nước, không khí, đất, trong khói thuốc lá, khí thải ô tô xe máy, trong thực phẩm…

Styren được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp vật liệu làm polyme và sản xuất keo dính.Nó được sử dụng để làm polystyrene, từ đó sản xuất nhựa, túi xốp, bao bì, nhựa vật liệu xây dựng như tấm cách nhiệt, ống nhựa, lớp lót tủ lạnh… Ngoài ra, styren cũng dùng trong sản xuất lốp xe, ống, sơn… Một số sản phẩm tiêu dùng như giày, đồ chơi, hộp xốp đựng thức ăn, hộp mực máy tin… cũng có styrene hoặc polystyrene.

Nếu phơi nhiễm cấp tính ở nồng độ cao có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng. đau đầu, suy nhược, chóng mặt, lú lẫn, buồn ngủ, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, viêm da, hen suyễn… Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh não, tổn thương gan, ảnh hưởng đến chức năng thận, hệ thần kinh trung ương, thính giác và thị giác kém…

Phơi nhiễm mãn tính với styren gây ung thư phổi ở chuột nhắt và ung thư vú ở chuột. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy công nhân sản xuất styren có tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư bạnh cầu cao hơn nhóm chứng. Bên cạnh đó có một số bằng chứng gợi ý về phơi nhiễm với styren và ung thư tuyến tuỵ, ung thư thực quản.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77