TIN TỨC

Trở về vùng quê Phước Thuận trong thời kỳ đổi mới

Trở về vùng quê Phước Thuận trong thời kỳ đổi mới

Vào những ngày tháng Tư lịch sử cùng trở lại xã Phước Thuận, đi trên những con đường bê tông thẳng tắp xen giữa những cánh đồng xanh mướt cùng những ngôi nhà mới, tất cả như minh chứng cho một sức sống mới, vươn lên mạnh mẽ của vùng quê đang hoà cùng nhịp với sự đổi mới của quê hương, đất nước.

/doi-moi

Đổi mới vùng quê Phước Thuận

Là một xã đồng bằng, nằm cách trung tâm huyện Ninh Phước gần 10 km, được bao bọc bởi hai con sông Dinh và sông Quao. Hiện toàn xã có 7 thôn, với hơn 3.925 hộ, gần 17.000 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Kinh và Chăm. Những ngày đầu mới tái lập huyện (năm 1982), xã Phước Thuận gặp muôn vàn khó khăn, thách thức như kết cấu hạ tầng nghèo nàn, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp còn lạc hậu, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Trước những khó khăn trên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực, đoàn kết của Đảng bộ, nhân dân trên địa bàn xã, trong những năm gần đây, Phước Thuận đã có những bước chuyển biến tích cực. Ông Đặng Em, cựu chiến binh thôn Vạn Phước, cho biết: xã Phước Thuận giờ khác rồi, toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn gần như đã được bê tông hóa; cơ sở vật chất ở các trường học, trạm xá đều được nâng cấp, xây dựng mới; đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Dấu ấn phát triển của xã Phước Thuận thể hiện rất rõ trong giai đoạn 2011-2015, khi xã bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngay sau khi có chủ trương của huyện, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ trong xây dựng NTM. Trong đó tập trung chỉ đạo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác; thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương như cây táo, nho và một số loại rau màu. Tập trung dồn điền, đổi thửa để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình mới, kỹ thuật tiên tiến được bà con áp dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập cho nông dân như mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” trên cây lúa, năng suất trung bình đạt gần 7 tấn/ha; mô hình “Trồng nho, táo kết hợp chăn nuôi dê, cừu, bò”, “Trồng Nho an toàn theo chuẩn VietGAP”, “Trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP”... Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học cho nông dân, thực hiện trồng và gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất. Nông dân xã Phước Thuận đã có những đổi mới căn bản về nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm những tiến bộ mới. Ngoài ra, khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, trang trại, tổ chức, cá nhân có điều kiện phát triển các ngành nghề truyền thống và những ngành nghề sản xuất từ các sản phẩm đặc sản của địa phương như nho, táo, dê, cừu... Trong đó, có một số cơ sở đã tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường như Cơ sở sản xuất Nho sạch và Vang Nho Ba Mọi, Vang Nho Thiên Thảo, Trùn quế Vạn Long, Dê Triệu Tín… đặc biệt là đã xây dựng được Chỉ giới địa lý cừu Phước Thuận. Bên cạnh đó, công nghiệp-dịch vụ-thương mại cũng phát triển nhanh và đa dạng, gắn liền phát triển du lịch với sản xuất nông nghiệp. Nền kinh tế phát triển khá toàn diện, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt, từ 23 triệu đồng (năm 2015) đến cuối năm 2017 đạt 31 triệu đồng/người/năm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ và phát triển cả về quy mô và chất lượng; an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Người nghèo được tiếp cận tốt các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo việc làm, tăng thu nhập; đáp ứng cơ bản về một số nhu cầu thiết yếu, như nhà ở, học tập, khám chữa bệnh... Khi đời sống bà con được nâng cao thì việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM sẽ không quá khó. Bằng chứng là qua 5 năm, toàn xã đã huy động gần 23 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó, nguồn vốn tham gia của nhân dân trên 4 tỷ đồng. Ngoài đóng góp tiền mặt, người dân còn góp công, hiến đất, vật liệu xây dựng để làm đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa, góp phần cùng đảng bộ, chính quyền đưa địa phương đạt chuẩn NTM...

Những năm gần đây, xã chú trọng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nông dân tổ chức trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Gần đây, xã đã đưa Trạm bơm Phước Khánh vào hoạt động nhằm chủ động điều tiết nước khi xảy ra hạn hán. Ngoài ra, xã phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhiều lượt người dân xuất khẩu lao động mang lại nguồn thu nhập cao cho các gia đình. Đặc biệt, trong năm 2017, xã Phước Thuận đã mạnh dạn thực hiện mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa với diện tích 164 ha và quy hoạch vùng trồng nho tập trung trên diện tích 30 ha theo mô hình VietGAP kết hợp làm du lịch miệt vườn tại địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,24%.

Trong thời gian tới, Đảng ủy xã tập trung tăng cường các giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước; kêu gọi, thu hút đầu tư, mở rộng nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ đời sống, sản xuất, nhất là về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, đường, trường học, trạm y tế...

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77