TIN TỨC

Nguyên nhân các sở giết mổ gia súc , gia cầm đạt chuẩn vẫn hoạt động kém hiệu quả

Nguyên nhân các sở giết mổ gia súc , gia cầm đạt chuẩn vẫn hoạt động kém hiệu quả

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Đức Hòa  được xem là cơ sở đầu tiên của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng như của tỉnh được xây dựng khá quy mô và đạt các yêu cầu, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP)...

/kiem-dich

Cán bộ thú ý kiểm dịch động vật

Cùng với niềm hy vọng sẽ giải quyết được “vấn nạn” giết mổ gia súc, gia cầm tự phát, không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng qua hơn 3 tháng hoạt động, cơ sở này hoạt động quá èo uột, chỉ bằng 1/10 công suất đã xây dựng. Vậy đâu là nguyên nhân?

Hiện có 25 cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, trong đó, chỉ có 7 cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh, 2 cơ sở có đề án môi trường và 4 cơ sở có giấy chứng nhận ATTP. Đa số các cơ sở nhỏ lẻ này đều nằm trong khu dân cư, hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải hoặc nếu có cũng đã xuống cấp nặng, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo vệ sinh ATTP. Ngoài ra, vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tự phát, sản phẩm không được kiểm tra vệ sinh thú y, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà cơ quan chức năng chưa quản lý được. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Đức Hòa (cơ sở Đức Hòa) đi vào hoạt động sẽ giải quyết được tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo ATTP, gây ô nhiễm môi trường đã tồn tại từ nhiều năm trước đây. Cơ sở này được xây dựng trên diện tích 5.500 m2, có công suất giết mổ 195 con gia súc/ngày-đêm, với tổng kinh phí đầu tư 4,5 tỷ đồng; được thiết kế theo quy trình giết mổ một chiều, với các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo. Trang thiết bị cho việc giết mổ bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, hệ thống xử lý chất thải được thiết kế bài bản đúng theo quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua hơn 3 tháng, hoạt động của cơ sở này hết sức khó khăn. Chủ cơ sở Đức Hòa bức xúc cho biết : Khi chuẩn bị đi vào hoạt động, hơn 80% hộ giết mổ trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã đăng ký đem gia súc đến đây giết mổ. Thế nhưng, thực tế không phải vậy. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở chỉ giết mổ từ 10-15 con heo của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam-Chi nhánh Ninh Thuận để cung cấp cho chuỗi cửa hàng thịt heo sạch của Công ty trên địa bàn tỉnh. Được biết, chủ cơ sở đã vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để đầu tư mở cơ sở này. Để đảm bảo hoạt động, hàng tháng chủ cơ sở phải chi trả trên 20 triệu đồng, nhưng thực tế “tổng thu” mới chỉ được 9 triệu đồng/tháng, dẫn đến nguy cơ thua lỗ nếu tình trạng này kéo dài - ông Nguyễn Đức Tịnh cho biết thêm!

Do chính quyền các địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để đối với hoạt động giết mổ gia súc nhỏ lẻ, tự phát, đặc biệt vẫn chưa di dời được các hộ giết mổ trong khu giết mổ Mỹ Hương (phường Mỹ Hương) về cơ sở Đức Hòa. Cơ sở giết mổ Mỹ Hương đã xuống cấp trầm trọng do lượng gia súc giết mổ quá lớn, mặt khác, cơ sở đã xây dựng đến nay gần một trăm năm, không đảm bảo vệ sinh ATTP và nằm trong hành lang bảo vệ Bắc Sông Dinh nên không cho phép sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, hiện cơ sở này hàng ngày vẫn giết mổ trên 100 con heo để cung cấp cho địa bàn thành phố, toàn bộ nước thải đều xả ra sông Dinh. Nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là bên cạnh “thói quen” của các hộ giết mổ đã hoạt động từ lâu tại khu giết mổ Mỹ Hương, gần với nơi tiêu thụ sản phẩm thì giá thu phí khi thực hiện giết mổ tại cơ sở này chỉ có 15.000 đồng/con heo, còn nếu như đem đến cơ sở Đức Hòa thì phí phải trả đến 25.000 đồng/con heo, nên các hộ giết mổ vẫn chưa chịu di dời.

UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận ranh giới để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại Khu tái định cư nhà máy xử lý nước thải để Cơ sở Đức Hòa đủ điều kiện chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, giúp cho cơ sở hoạt động ổn định và lâu dài hơn. Đồng thời, UBND thành phố đang tiến hành các bước để đóng cửa các lò mổ không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố trong quý II-2018, đặc biệt là Cơ sở giết mổ Mỹ Hương và sẽ hướng dẫn các hộ đem gia súc đến giết mổ tại Cơ sở Đức Hòa để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, đề nghị Cơ sở Đức Hòa nghiên cứu điều chỉnh mức phí dịch vụ giết mổ phù hợp, vừa đảm bảo quyền lợi cho các hộ giết mổ, vừa đảm bảo cho chủ cơ sở tiếp tục hoạt động có hiệu quả.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung là loại hình dự án có tính xã hội cao nhưng lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro, nhất là khâu thu hồi vốn. Do vậy, để tạo điều kiện cho Cơ sở Đức Hòa - đơn vị đầu tiên của tỉnh đầu tư loại hình này hoạt động hiệu quả nói riêng, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng nói chung, rất cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong tỉnh.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77