TIN TỨC

CẦN PHÁT HIỆN VÀ CAN THIỆP NGAY KHI TRẺ CÓ CHỈ SỐ EQ THẤP.

IQ – chỉ số thông minh (intelligent quotient)  và EQ – chỉ số cảm xúc (emotional quotient) khác nhau. Người có IQ cao hẳn nhiên là thông minh và dễ thành công trong học tập, lẫn công việc. Nhưng nếu IQ cao mà EQ thấp lại trở thành người dễ tự mãn, tự cao, coi thường người khác. Hay cảm thấy cô đơn, ít bạn bè, không biết nhìn người, gặp thất bại mau chán nản và rất dễ bị trầm cảm.

Nếu trẻ có EQ cao, xin chúc mừng vì bé luôn khiến cha mẹ an tâm và cảm thấy tin tưởng. Bởi EQ cao chứng tỏ bé có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình, thấu cảm được tâm hồn của người khác, lạc quan, giao thiệp tốt nên nhiều người quý mến. Nghiên cứu của Đại học Stanford, Mỹ cho biết, trẻ có EQ cao sẽ hỗ trợ cho sự thông minh được bộc lộ và thậm chí còn giúp gia tăng IQ.

Thế nên, trong những năm đầu đời của trẻ, theo dõi EQ rất quan trọng. Nếu trẻ có những biểu hiện dưới đây, chứng tỏ EQ của bé khá thấp, đòi hỏi cha mẹ phải can thiệp kịp lúc.

Trẻ thích ngắt lời bất kì ai:

Kể cả khi nói chuyện với người lớn trẻ cũng thích nói nhiều hơn, ngắt lời, không chịu nghe bất kì ai chính là biểu hiện của việc tự phụ, chuyên lấn lướt người khác. Đây còn là vấn đề về lễ phép, lịch sự, tôn trọng người xung quanh. Nên khi cha mẹ bắt gặp hành vi này của bé, nên can thiệp ngay lập tức. Nếu lơ là bỏ qua, để thói xấu này phát triển, trẻ lớn lên sẽ trở nên độc đoán, cố chấp, thậm chí bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích.

Trẻ hay phàn nàn và nói xấu người khác:

Bất kì ai, cái gì, cũng khó khiến trẻ hài lòng. Trẻ rất hay phàn nàn chê bai, ví dụ như món ăn mẹ nấu chưa được ngon, chiếc áo mẹ ủi chưa được phẳng.v.v… Tính cách hay phàn nàn, chê bai dẫn đến việc trẻ không biết tự nhìn nhận chính mình, luôn thấy điểm xấu của người khác và bắt đầu nói xấu sau lưng họ.

Nếu nhận thấy con thường xuyên chê bai, nói xấu người khác, cha mẹ cần ngăn cản hành vi này. Dạy trẻ biết nhìn mặt tốt đẹp, cảm thông với người khác, và học cách nhận trách nhiệm về mình. Khi không dạy dỗ kịp thời, tật hay chê bai, nói xấu sẽ phát triển thành tính ghen tỵ. Mà vốn dĩ người có tính hay ghen tỵ rất khó cảm thấy hạnh phúc.

Trẻ chỉ muốn nghe lời khen ngợi, nịnh nọt:

Bất kì đứa trẻ nào cũng thích được khen. Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã phản ứng rất tích cực với những từ khen tặng như: “giỏi”, “ngoan”… Nhưng nếu trẻ chỉ muốn được khen, còn khi bị nói trái ý, bị người lớn phàn nàn lại tỏ ra tức tối, la hét, ngỗ nghịch thì chứng tỏ EQ của bé đang bị kéo lùi.

Những đứa trẻ phản ứng thái quá với những lời góp ý, chỉ thích được khen ngợi một chiều sẽ dần dà bị giảm sút năng lực phân biệt đúng sai. Trẻ trở thành người không đánh giá đúng bản thân mình, dễ bị lừa gạt. Thậm chí hình thành tính tự cao, khó chấp nhận được thất bại và rơi vào trạng thái trầm cảm khi đối diện thực tế khắc nghiệt.

Coi thường gia đình:

Những đứa trẻ “coi thường gia đình” thường có biểu hiện nghe lời người khác hơn chính cha mẹ của mình. Trẻ hay sai bảo cha mẹ, thường xuyên vô lễ với người thân nhưng lại sợ thầy cô giáo, thậm chí rụt rè khép nép với những người hàng xóm. Gia đình vốn là nền tảng, nếu nhận thấy con mình không tôn trọng cha mẹ bằng những người lớn khác, phải dạy dỗ và nghiêm khắc hơn với bé.

Những đứa trẻ coi thường gia đình từ nhỏ, khi lớn lên thường dễ sa ngã, hành động thiếu suy nghĩ. Và dĩ nhiên, không ai muốn có một đứa con coi thường chính gia đình của mình.

Ngoài việc quan sát hành vi của trẻ để uốn nắn kịp thời, cha mẹ cũng phải chú trọng hành vi của chính mình để làm gương cho bé. Những năm đầu đời nếu kịp uốn nắn, giúp bé kiểm soát được cảm xúc, biết cảm thông,… sẽ là nền tảng để EQ tiếp tục tăng mạnh. Sở hữu chỉ số EQ cao, trẻ sẽ biết yêu thương cha mẹ, anh chị em, dễ đạt được trạng thái cân bằng và cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77