TIN TỨC

NINH THUẬN- ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Ninh Thuận là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ. Ninh Thuận được xem là vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế có thể khai thác, thu hút đầu tư.

Về kinh tế biển: Nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang) nên Ninh Thuận được xác định là một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Với chiều dài bờ biển 105 km, có nhiều bãi tắm đẹp, đã nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh chữ, Cà Ná; một số bãi biển đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách du lịch như Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương gắn với các vùng sinh thái đặc thù vùng khô hạn, những điều kiện đó tạo thuận lợi cho Ninh Thuận phát triển nhiều loại hình du lịch. Ninh Thuận chủ trương phát triển du lịch toàn diện, phấn đấu đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Ngư trường Ninh Thuận được xác định là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước với nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao và khai thác được quanh năm, đồng thời còn là nơi sản xuất các loại giống thủy sản có chất lượng cao, nhất là tôm giống và ốc hương. Hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, trong đó cảng cá Cà Ná đang đầu tư trở thành Trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực, cảng Ninh Chữ được xây dựng thành nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền khu vực miền Trung.

Về vị trí địa bàn: Ngoài ra, Ninh Thuận còn được biết đến là địa bàn lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp, trong vài năm tới diện tích sản xuất muối của tỉnh sẽ đạt trên 4.000 ha, sản lượng trên 500 ngàn tấn muối công nghiệp/năm. Với sản lượng trên đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất sau muối và chế biến muối tinh là lĩnh vực tỉnh đang khuyến khích đầu tư.

Về nông nghiệp: Ninh Thuận được biết đến như một vùng khô hạn nhất nước, nhưng đó lại là một lợi thế để phát triển một số cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, cho các sản phẩm đặc thù như: Nho, bông, mía, thuốc lá, điều, dê, cừu,...Việc đầu tư chế biến sản phẩm từ nho, thịt gia súc gia cầm là lĩnh vực tỉnh đang kêu gọi đầu tư.

Về công nghiệp năng lượng: Ninh Thuận còn có lợi thế về phát triển điện gió và năng lượng mặt trời. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/s, đây là điều kiện lý tưởng để phát triển điện gió. Ngoài ra, với số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày), cường độ lớn, Ninh Thuận cũng là địa bàn lý tưởng phát triển năng lượng mặt trời, đây là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Về tài nguyên khoáng sản: Ninh Thuận có đá Granitte là loại khoáng sản có trữ lượng lớn, độ nguyên khối và lộ thiên dễ khai thác, thuận lợi về vận chuyển, đạt chuẩn về độ mịn, độ bóng và độ cứng, có nhiều màu sắc đẹp, có thể chế biến thành các sản phẩm phục vụ cho xây dựng trong nước và xuất khẩu. Đây là một lợi thế của tỉnh trong khi nhu cầu thị trường đang rất lớn, tỉnh chủ trương thu hút vốn đầu tư vào khai thác và chế biến đá granitte, xây dựng sản phẩm đá granitte trở thành sản phẩm chủ lực có quy mô lớn.

Về sản xuất công nghiệp: Đã hình thành ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, may mặc và sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp. Đã hình thành 02 khu công nghiệp Du Long và Phước Nam với quy mô 400ha/khu, các cụm công nghiệp Tháp Chàm, Thành Hải sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến Ninh Thuận đầu tư.

Định hướng phát triển của tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới là ưu tiên thu hút đầu tư phát triển 6 ngành trụ cột chính để tạo bức phá cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ninh Thuận đã và đang sẵn sàng hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi, dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao tại Ninh Thuận.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77