Ninh Hải là huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế. Bên cạnh việc hình thành vùng sản xuất ổn định với các loại cây trồng truyền thống như: lúa, nho… huyện còn vận động nông dân tập trung đầu tư mở rộng phát triển cây hành và tỏi. Theo ông Lê Văn Ngọc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, mặc dù không phải là cây trồng mới nhưng qua thực tế sản xuất, cây hành, tỏi đem lại thu nhập khá cho người trồng, phù hợp với điều kiện canh tác và thổ nhưỡng ở địa phương, nên được xem là cây trồng chủ lực; sản xuất mỗi năm đạt trên 710 ha đối với cây hành và gần 100 ha đối với cây tỏi, sản lượng đạt trên 10.400 tấn/năm
Tuy có nhiều lợi thế nhưng sản xuất hành tỏi vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nông dân trồng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và thiếu tính liên kết nên dẫn đến năng suất đạt thấp, sản phẩm sau khi thu hoạch phụ thuộc rất nhiều vào thương lái thu mua. Để khắc phục thực trạng trên, năm 2012, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Sử dụng chế phẩm EMINA để quản lý bệnh hại, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng phân bón lá RQ cho cây hành, tỏi” tại xã Thanh Hải. Mục tiêu của mô hình nhằm giúp người trồng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất. Đến nay, mô hình đã được nông dân ở các xã Nhơn Hải, Vĩnh Hải áp dụng đại trà và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt với năng suất hành đạt từ 2,5-3 tấn/sào; tỏi đạt bình quân từ 7-8 tạ/sào, tăng 20% so với canh tác truyền thống. Sản phẩm sau khi thu hoạch được bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật, không bị thối củ, được người tiêu dùng lựa chọn, giá bán cũng cao hơn. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chương trình, dự án, huyện Ninh Hải hướng dẫn bà con canh tác theo quy trình VietGAP cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn kết hợp với hệ thống tưới phun nhỏ giọt vừa khai thác hiệu quả nước tưới, đồng thời nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Mặt khác, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, huyện Ninh Hải còn có cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thông qua hình thức liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Anh Nguyễn Thanh Khỏe (thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải) chia sẻ: Lâu nay gia đình tôi và các hộ lân cận trồng hành, tỏi chỉ bán cho thương lái nên thường bị ép giá, từ khi liên kết với Trang trại Quang Ninh, sản phẩm sau khi thu hoạch được bao tiêu toàn bộ với giá bán bằng hoặc cao hơn giá thị trường nên rất yên tâm mở rộng sản xuất…
Để hướng tới nâng tầm thương hiệu hành, tỏi và mang lại thu nhập ổn định cho các nông hộ trên địa bàn, ngoài việc tập trung đầu tư đưa các loại giống có chất lượng, năng suất cao, ổn định về quy mô vùng sản xuất, huyện Ninh Hải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân trồng hành, tỏi thay đổi phương pháp canh tác manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất tập trung gắn với áp dụng khoa học-kỹ thuật trên diện rộng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới.
Mứt Tết ...
Đặc Sản Phan Rang ...
Lễ Hội Nho và Vang Phan Rang - Tháp Chàm- Ninh Thuậ ...
Địa Điểm Các Món Ăn Ngon Ở Phan Rang Ninh Thuận ...
Các địa điểm du lịch ở Phan Rang Ninh Thuận ...
Các Resort, Khu Nghỉ Dưỡng Cao Cấp Ở Phan Rang Nin ...
Các Khách Sạn Tiêu Biểu Ở Phan Rang Ninh Thuận ...