TIN TỨC

TRỒNG TÁO SẠCH NHỜ PHƯƠNG PHÁP BAO LƯỚI
Cùng với nho, táo xanh là loại trái cây đặc thù của vùng đất Ninh Thuận. Táo cho quả quanh năm hoặc có thể cắt cành cho ra trái tập trung mỗi năm 2 vụ. Thông thường sản lượng trái thu hoạch phải bỏ đi hơn một nửa do bị sâu bệnh, nhất là khi bị ruồi vàng đục quả.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang lập đề án khoa học, nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh để tăng nguồn thu nhập cho người trồng táo.
 
Gần đây, nông dân tại địa phương áp dụng phương pháp bao lưới với chi phí 10 triệu đồng/sào. Lưới mắt nhỏ được phủ kín vườn cách ngọn táo khoảng 1 mét với mục đích, không cho ruồi vàng và côn trùng đột nhập. So với chi phí phun thuốc, thì giá thành để thực hiện bao lưới rẻ hơn nhiều.
 
Mặt khác, trái táo ít bị hỏng, giúp năng suất tăng lên. Táo bao lưới ít phun thuốc và thu hoạch đúng ngày chín, nên giá bán cũng cao hơn nhiều so với táo thường. 
 
Ông Đặng Tấn Thắng, ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết những năm trước đây khi chưa bao lưới, một sào (1.000m²) cho sản lượng 4 tấn nhưng chỉ hái được 1,5 tấn hoặc 2 tấn mà thôi do tỷ lệ bỏ đi nhiều. Năm nay, thực hiện bao lưới, gần như 99% sản lượng thu hoạch đều bán được. Điều đó cho thấy hiệu quả của việc bao lưới là vừa tăng năng suất vừa bán được giá cao.
 
“Mô hình bao lưới trung bình 1 sào đạt 4 tấn. Giá thành 12.000 đồng/kg. Khi không bao lưới, giá thành khoảng 7.000 đồng/kg. Giá thấp hơn mà sản lượng lại mất. Khi bao lưới sản lượng đạt cao, già thành lại tốt hơn”, ông Thắng cho hay.
 
Ông Phạm Minh Đèo ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn trồng gần 2 sào táo xanh. Theo ông Đèo, làm theo phương pháp truyền thống buộc phải phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ ruồi và sâu bệnh đục trái, nhưng kể từ khi dùng phương pháp bao lưới, táo thu hoạch gần như là táo sạch. Các vựa rất thích mua táo của ông vì trái vừa đẹp vừa ít phun thuốc.
 
“Mô hình táo bao lưới sẽ giúp cho việc tiêu thụ dễ dàng hơn và giúp cho người tiêu dùng yên tâm để sử dụng táo xanh của Ninh Thuận. Bởi vì khi thực hiện mô hình này hoàn toàn đáp ứng được theo tiêu chuẩn VietGAP. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả không còn nữa do bà con không còn dùng thuốc bảo vệ thực vật như trước đây”, ông Dũng cho hay.
 
Ông Đèo cho biết, từ ngày bao lưới, giá thành bán ra lúc nào cũng cao hơn, đó là chưa kể giảm đáng kể chi phí mua thuốc phun xịt trong vườn. Gia đình cảm thấy hiệu quả thực sự.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết: Kỹ thuật bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo giúp giảm số lần phun thuốc xuống 6 lần, giảm đáng kể chi phí đầu tư của nhà vườn. Nhất là trái táo sau khi thu hoạch ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ được đón nhận rộng rãi trên thị trường.
 
Ninh Thuận là tỉnh trồng táo xanh nhiều nhất nước với hơn 1.100ha. Từ một mô hình ban đầu chưa tới 2 sào ứng dụng bao lưới táo, sau một năm thử nghiệm, đến nay gần 200 hộ nông dân trồng táo đã tham gia mô hình bao lưới với tổng diện tích trên 60ha. Năng suất vườn bao lưới đạt từ 40-50 tấn/ha, gấp đôi so với phương pháp canh tác bình thường.
 
 

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77