TIN TỨC

Mô hình nuôi dê sinh sản phát triển tại xã Phước Trung

Mô hình nuôi dê sinh sản phát triển tại xã Phước Trung

Là một trong những xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Bác Ái, nơi sinh sống của đa số đồng bào dân tộc Raglai. Phước Trung đã tận dụng lợi thế diện tích đất rừng chiếm khoảng 80%, cùng với mô hình phát triển chăn nuôi bò, người dân xã Phước Trung còn phát triển mô hình chăn nuôi dê góp phần cải thiện thu nhập và thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trên địa bàn.

/nuoi-de

Phát triễn nuôi dê sinh sản tại xã Phước Trung

Mô hình nuôi dê trước đây chưa phổ biến trên địa bàn xã, nhưng những năm trở lại đây, từ nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ và xây dựng các mô hình sản xuất được triển khai đã giúp bà con mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, mô hình nuôi dê sinh sản được thực hiện có hiệu quả, khai thác được lợi thế vùng núi và phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như gia đình chị Patâu Axá Thị Khém, thôn Rã Giữa, năm 2015, chị tham gia chương trình Tam nông nhóm cùng sở thích được hỗ trợ 3 con dê sinh sản. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đến nay, chị đã gầy dựng đàn dê lên được 10 con đang trong thời kỳ sinh sản. Chị Khém cho biết: Từ chương trình Tam nông chăn nuôi dê cùng sở thích mà gia đình đã mạnh dạn trong đầu tư chăn nuôi. Dê nhanh đẻ, một năm 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con. Tôi nuôi dê đực khoảng 20 kg rồi bán lấy vốn, thương lái mua tại chỗ nên mỗi con dê đực khi xuất bán cũng có giá hơn 2 triệu đồng, dê cái tiếp tục nuôi để gầy đàn. Từ số tiền bán dê, gia đình tích lũy đầu tư mua bò. Đến nay, gia đình có 10 con bò, 10 con dê làm vốn, cuộc sống được cải thiện hơn trước rất nhiều.

Qua tìm hiểu tại các thôn trên địa bàn xã, chúng tôi nhận thấy bà con đã thay đổi rõ nét tập quán chăn nuôi. Mọi người đã biết rào lại đất trống xung quanh nhà để làm chuồng trại đầu tư nuôi dê. Việc nuôi dê trước đây dưới sàn đất ẩm thấp dễ phát sinh bệnh, nay bà con đã biết làm chuồng bằng tre, gỗ cao ráo với các vật liệu sẵn có ở địa phương. Gia đình chị Pinăng Thị Khách, thôn Rã Trên, dùng thân cây trong rẫy làm khu chuồng khoảng 20 m2 nuôi 4 con dê theo hình thức sinh sản. Chị Khách phân tích: Phát triển nuôi dê không đòi hỏi nguồn vốn cao, dê rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn đa dạng, ngoài ăn cỏ xanh, chúng còn ăn nhiều loại lá cây nên rất thuận lợi. Ban ngày chăn thả tự do, đến tối thì lùa về nhốt trong chuồng, bổ sung thêm cỏ voi và muối đá liếm cho dê ăn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Trước đây nuôi dê cột dưới nền đất ẩm thấp, dê sinh sản kém, dễ bệnh vào mùa mưa, bây giờ nuôi dê trên chuồng cao, đàn dê phát triển tốt. Sau hơn 1 năm, đàn dê của gia đình được 13 con, dê đẻ con đực, gia đình bán trang trải cuộc sống, còn dê cái để lại nuôi gầy đàn.

Nhằm thúc đẩy nhanh việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, những năm gần đây, địa phương được nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế như Chương trình 30a, Chương trình Tam nông, Chương trình 135… Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được đưa vào triển khai thí điểm nhằm tìm ra mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ, tập quán canh tác của người dân để nhân rộng, trong đó có nuôi dê sinh sản. Đến nay trên địa bàn xã có gần 2.000 con dê, để tăng số lượng đàn, thời gian tới, địa phương tiếp tục hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi, cùng với đó là thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thú y và nông dân trong cách phòng, điều trị bệnh trên đàn dê.

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77