TIN TỨC

Thương hiệu nho Ninh Thuận tạo bước đột phá mới

Thương hiệu nho Ninh Thuận tạo bước đột phá mới

Sau những bước thăng trầm, cho đến nay cây nho vẫn được xác định là một trong những cây trồng đặc sản và chủ lực ở tỉnh ta. Theo xu hướng phát triển chuỗi giá trị bền vững, bên cạnh khuyến khích chế biến các sản phẩm từ nho (rượu vang, nho khô, mật nho…), việc chuyển dịch giống từ nho ăn tươi sang nho rượu được coi là một giải pháp quan trọng nhằm tạo bước đột phá mới cho thương hiệu nho Ninh Thuận.

/vuon-nho

Vườn nho của nông dân Ninh Thuận

Cách nay 14-15 năm, các giống nho dùng chế biến rượu vang như giống Syrah (nho rượu đỏ) và giống Sauvignon Blanc (nho rượu xanh) đã được Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh trồng thí điểm tại địa phương, bước đầu cho kết quả khả quan. Năm 2005, nhận thấy diện tích trồng các giống nho trên còn quá khiêm tốn so với tiềm năng đang có, tỉnh ta đã triển khai Dự án Sản xuất thử các giống nho rượu gắn với chế biến rượu vang chất lượng cao đến năm 2010 với mục tiêu đạt diện tích trồng 100ha nho rượu. Sau khi có dự án trên, Công ty Cổ phần Thăng Long (Hà Nội) cũng đã triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Vang nho Ninh Thuận với quy mô công suất 500.000 lít siro và 1.000.000 lít vang/năm. Lộ trình thực hiện chia làm 2 giai đoạn đầu tư, giai đoạn 1 từ năm 2005-2007 và giai đoạn 2 từ năm 2008-2010. Có thể nói, sự kiện Nhà máy Chế biến rượu vang nho được xây dựng ở tỉnh ta lúc bấy giờ đã tạo ra chất xúc tác mới, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho nghề trồng nho. Thế nhưng mọi việc đã không diễn ra như mong đợi, sau khi đạt khoảng 15ha diện tích trồng nho rượu vào năm 2007, do giá thu mua của doanh nghiệp quá thấp, nông dân đã không mặn mà trồng nho rượu nữa và đầu tư giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Thăng Long cũng không thực hiện.

Tthực chất cây nho rượu đã phát triển ra sao? Sau Lễ hội Nho và Vang-Ninh Thuận 2016, chúng tôi đã đến tìm hiểu cây nho rượu đang trồng tại vườn của anh Thạch Vũ Vương (thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận, Ninh Phước). Hiện nay, anh Vương được coi là nông dân duy nhất tỉnh ta có trồng nho rượu thương phẩm với diện tích lớn. Năm 2012, Công ty TNHH Ladora-Farm Ninh Thuận đã lựa chọn vườn nho của anh để trồng thí điểm 2 sào nho rượu giống Syrah, thấy hiệu quả, từ tháng 3-2013, công ty ký hợp đồng với anh Vương mở rộng diện tích trồng lên 1ha. Theo anh chia sẻ: “Mỗi năm tôi trồng 3 vụ, vụ hè-thu và vụ mùa (mỗi vụ 3 tháng 5 ngày) thu hoạch nho đạt năng suất trung bình 1 tấn/sào, riêng vụ đông-xuân (là vụ chính: 3 tháng 15 ngày) cho năng suất 1,5 tấn/sào”. Nho rượu tùy theo độ Brix (độ ngọt) được công ty bao tiêu thu mua giá tối thiểu 15.000 đồng/kg (cỡ 12-13 độ Brix), tuy nhiên nhờ nho rượu trồng luôn đạt độ Brix cao (18-19 độ), anh Vương bán ổn định giá 25.000 đồng/kg, có lúc nho đạt 20 độ Brix được công ty thu mua giá 30.000 đồng/kg. Lấy giá bán trung bình 25.000 đồng/kg và với sản lượng hằng năm 35 tấn/ha (3 vụ), trừ chi phí anh lãi gần 600 triệu đồng. Qua kinh nghiệm của anh, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ giá ổn định hơn so với nho tươi, nho rượu còn có ưu thế là chi phí thấp (ít phân, thuốc), ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm nước tưới và đề kháng bệnh mạnh.

Trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 1ha nho rượu trồng khảo nghiệm của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố và Dự án Vườn nho rượu 10ha ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) của Công ty TNHH Ladora-Farm Ninh Thuận (thuộc Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng). Triển khai từ tháng 3 năm nay, Công ty TNHH Ladora-Farm Ninh Thuận dành 3ha xây dựng công trình hạ tầng như đường nội bộ, trồng cây xanh và 7ha ban đầu trồng các giống nho rượu; ngoài 1,5ha giống Syrah (giống nội địa Ninh Thuận), 1,5ha giống Syrah (ngoại nhập), còn lại là các giống ngoại nhập khác gồm: 1ha giống Merlot, 1ha giống Cabernet Sauvignon, 1ha giống Cabernet Franc và 1ha giống Chardonnay. Anh Hán Hữu Hà, Trưởng Văn phòng đại diện công ty, cho biết: “Thực tế diện tích nho tại vườn của công ty nay đã tăng lên 20ha, chủ yếu là giống Syrah Ninh Thuận, nếu tính cả 20ha liên kết trồng với nông dân, Ladora-Farm Ninh Thuận đang có 40ha và phấn đấu năm tới liên kết nông dân xã Mỹ Sơn hình thành vùng nguyên liệu nho rượu 100 ha, hướng đến xây dựng nhà máy sơ chế nguyên liệu vang tại chỗ”. Nho rượu trồng tại Phước Thuận cũng như Mỹ Sơn đều sinh trưởng tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Toàn tỉnh có trên 1.200ha diện tích nho, theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 quy mô diện tích trồng nho sẽ ổn định 2.200ha nhưng là nho ăn trái chứ chưa có nho rượu. Trong khi đó, chỉ riêng Ladora-Farm Ninh Thuận, dự kiến vào năm 2018 sẽ mở rộng diện tích trồng nho rượu lên 200ha tại khu vực Mỹ Sơn. Trước triển vọng phát triển nho rượu trong thời gian tới, theo anh Lê Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành đang đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển trồng nho của tỉnh từ 200-300ha diện tích trồng nho rượu.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77