Đến thăm cánh đồng Mỹ Hiệp vào một ngày giữa tháng tư. Theo ghi nhận, thời điểm này nắng đang gay gắt, nhưng cánh đồng đậu xanh hơn 50 ha của nông dân nằm dọc tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi xã Phước Trung (Bác Ái) vẫn phát triển tốt và đang bước vào thời kỳ cho thu hoạch. Ông Ca Lếch, thôn Mỹ Hiệp phấn khởi: Đất này trước đây trồng lúa, nhưng do nước tưới không đảm bảo nên bà con chuyển sang trồng đậu xanh, năng suất đạt khá cao. Mình mới thu hoạch 1 sào mà được 20 bao rồi, còn hơn 1 sào chắc cũng được hơn 20 bao nữa. Cách đó không xa, 2 ha đậu xanh của chị Tà Yên Thị Lến cũng đang đến thời kỳ thu hoạch. Vừa nhanh tay cho đậu vào bao, chị Lến cho biết: Lúc trước đất này chỉ trồng được hai vụ lúa, năm nay do thiếu nước nên gia đình chuyển sang trồng một vụ đậu, một vụ lúa. So ra, trồng đậu xanh mang lại hiệu quả hơn lúa rất nhiều. Trong vụ tới, gia đình vẫn tiếp tục chia vụ để trồng cây đậu xanh bởi loại cây trồng này sử dụng ít nước và chi phí đầu tư cũng thấp hơn trồng lúa nên rất yên tâm.
Khu đất mà bà con đang trồng đậu xanh hiện nay trước đây đều trồng lúa. Sau mùa hạn năm 2014 – 2015, từ định hướng của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương vận động nông dân chia vụ để đưa cây đậu xanh vào canh tác. Thấy lợi nhuận thu được cao hơn lúa và lượng nước sử dụng cũng tiết kiệm nên diện tích chuyển đổi sang trồng đậu xanh ngày càng được nhân rộng. Cũng theo nhận định của chị Kim, với giá đậu xanh hiện đang được thu mua 27.000 đồng/kg thì bà con trồng đậu xanh ở thôn Mỹ Hiệp có thu nhập khá. Điểm đáng chú ý là kể từ khi xuống giống đến thu hoạch, cây đậu xanh chỉ mất khoảng hơn 50 ngày, mỗi vụ hái đến 3 đợt. Trong vụ này, năng suất đậu xanh luôn đạt trung bình trên 1,2 tấn/ha, có hộ đạt đến 1,5 tấn/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, ít nhất các hộ dân cũng thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/ha.
Hiệu quả mà cây đậu xanh mang lại cho người dân thôn Mỹ Hiệp sau khi mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trong mùa hạn thật sự rất đáng mừng. Điều này không chỉ góp phần giúp bà con nơi đây ổn định đời sống về mặt kinh tế mà còn có cơ hội để vươn lên thoát nghèo. Được biết, toàn thôn Mỹ Hiệp hiện vẫn còn gần 200 hộ nghèo trong tổng số hơn 460 hộ dân. Trao đổi với chúng tôi về việc chuyển đổi cây trồng của nông dân, anh Châm Ngọc Hoàng Lan, Trưởng thôn Mỹ Hiệp cho biết: Trước đây, bà con mình canh tác vẫn còn theo kiểu truyền thống, chưa nắm hết việc chuyển đổi các loại cây trồng như thế nào. Thời gian qua, được sự định hướng của chính quyền, hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã bà con đã chuyển đổi một số cây trồng sử dụng ít nước như đậu xanh, bắp thay cho cây lúa. Nhờ giá cả thị trường ổn định nên những vụ gần đây bà con cũng đã tự linh hoạt thực hiện việc chuyển đổi chứ không chờ chính quyền xã đến vận động. Qua các vụ chuyển đổi chủ yếu là cây đậu xanh cho thấy, các chi phí từ công đầu tư đến công lao động được tiết kiệm rất nhiều, lãi thu lại cũng khá cao.
Xã Mỹ Sơn đề ra kế hoạch chuyển đổi cây trồng cạn 125 ha, chủ yếu là chuyển từ lúa sang đậu xanh và tất cả các diện tích đều tập trung thực hiện trên cánh đồng thôn Mỹ Hiệp. Riêng vụ đông – xuân đã thực hiện được 51 ha, còn hơn 70 ha sẽ thực hiện trong vụ hè - thu. Mặc dù có thời điểm giá đậu xanh xuống thấp nhưng vẫn không đến nỗi làm nông dân phải lo lắng như việc đầu tư hết vào cây lúa. Từ đó, có thể khẳng định việc giảm diện tích lúa ở những vùng thiếu nước chuyển qua trồng đậu xanh hay cây bắp đang là cơ hội tăng thêm thu nhập cho nông dân. Trong thời điểm “đỉnh” hạn đang “mấp mé” như hiện nay thì kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng như bà con thôn Mỹ Hiệp là giải pháp rất cần thiết để các địa phương trong tỉnh học tập, nhân rộng.
Mứt Tết ...
Đặc Sản Phan Rang ...
Lễ Hội Nho và Vang Phan Rang - Tháp Chàm- Ninh Thuậ ...
Địa Điểm Các Món Ăn Ngon Ở Phan Rang Ninh Thuận ...
Các địa điểm du lịch ở Phan Rang Ninh Thuận ...
Các Resort, Khu Nghỉ Dưỡng Cao Cấp Ở Phan Rang Nin ...
Các Khách Sạn Tiêu Biểu Ở Phan Rang Ninh Thuận ...