TIN TỨC

Sản xuất tôm giống và hướng đi mới của tình nhà

Sản xuất tôm giống và hướng đi mới của tình nhà

Tỉnh ta đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sản lượng giống thủy sản toàn tỉnh đạt trên 36 tỷ con, trong đó có 85% là tôm giống. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, ngành sản xuất giống thủy sản tỉnh nhà đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng đầu tư các cơ sở sản xuất giống với quy mô lớn, hiện đại, áp dụng các quy trình tiên tiến, tạo ra con giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nuôi cả nước.

/be-tom-giong

Bể nuôi tôm giống

Theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy về “Phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” đã xác định tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước, trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý nguồn gốc, chất lượng tôm giống. Để thực hiện mục tiêu này, một trong các giải pháp là phải xây dựng thành công thương hiệu tôm giống Ninh Thuận nhằm quảng bá uy tín, chất lượng tôm giống, mở rộng thị trường đến các địa phương trong cả nước.

Từ năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã giao Chi cục Thủy sản (TS) tỉnh chủ trì và cũng là đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”. Sau hơn 15 tháng triển khai (từ tháng 8-2016 – tháng 10-2017), dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” đã hoàn thiện nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Song phải đến ngày 15-5-2018, Cục Sở hữu trí tuệ mới có Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” với danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu gồm tôm sú giống, tôm thẻ chân trắng giống và dịch vụ mua bán 2 loại giống trên. Rồi thêm một thời gian chuẩn bị, cuối tháng 8 vừa qua, Sở NN&PTNT mới tổ chức Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” cho Chi cục TS tỉnh. Cùng với công bố quyết định trên, dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiện chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” cũng đã xây dựng bản đồ địa lý khu vực sản xuất tôm giống được bảo hộ trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiện chứng nhận.

Danh tiếng và uy tín về giống tôm Ninh Thuận đã được cả nước biết đến từ lâu. Trải dài trên 105 km, bờ biển tỉnh ta với nền nhiệt độ cao và ổn định quanh năm (trên 27,50C), lượng mưa bình quân thấp (chỉ 700 mm/năm), độ mặn cao và ổn định (từ 32-34 phần ngàn), nguồn nước biển trong sạch…nên có những điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống. Với sự kiện ngành sản xuất tôm giống tỉnh nhà có thương hiệu riêng được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, đã cho thấy thành công mới. Theo Chi cục TS tỉnh, cả tỉnh hiện có trên 450 cơ sở sản xuất giống thủy sản (chủ yếu tôm sú và tôm thẻ chân trắng). Trong năm nay, với kế hoạch sản xuất 25 tỷ tôm post giống (5 tỷ tôm sú, 20 tỷ tôm thẻ), đến đầu tháng 9, toàn tỉnh đã thực hiện 21,47 tỷ post và ước đến cuối tháng 9 đạt 24,8 tỷ (4,8 tỷ tôm sú giống, 20 tỷ tôm thẻ giống), ước đạt 99,2% kế hoạch và tăng 13,9 % so với cùng kỳ. Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, Chi cục TS tỉnh còn kiểm tra chất lượng 153 lô/66.714 con tôm bố mẹ nhập khẩu theo ủy quyền của Tổng cục Thủy sản. Có thể thấy hoạt động sản xuất tôm giống vẫn tiếp tục duy trì và phát triển mạnh, trong đó đáng chú ý là xu hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng chất lượng tôm giống.

Để thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” tiếp tục phát triển, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đặc biệt là của các cơ sở và doanh nghiệp (DN) sản xuất tôm giống trong tỉnh. Theo đó, trong thời gian đến, Chi cục TS tỉnh sẽ phối hợp Hiệp hội Giống TS tỉnh tổ chức triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh, bảo đảm việc cấp tem, nhãn chặt chẽ, đúng quy định và hiệu quả. Đối với Hiệp hội Giống TS tỉnh, có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền sâu rộng về bảo hộ nhãn hiệu cho tất cả hội viên biết và có trách nhiệm bảo vệ uy tín, chất lượng và hình ảnh “Tôm giống Ninh Thuận”. Ngoài ra, Hiệp hội phối hợp với Chi cục TS tỉnh thẩm tra, xác minh các cơ sở sản xuất giống có uy tín, bảo đảm các điều kiện theo quy chế để giới thiệu tham gia sử dụng nhãn hiện chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”. Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống TS tỉnh chia sẻ: “Hiệp hội sẽ phát huy vai trò là cầu nối, vận động các DN hội viên tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kết hợp ứng dụng khoa học-công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất tôm giống để sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ”.

Tỉnh đã định hướng và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sản lượng giống thủy sản toàn tỉnh đạt trên 36 tỷ con, trong đó có 85% là tôm giống. Để thực hiện mục tiêu đó, ngành sản xuất giống thủy sản tỉnh nhà đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng đầu tư các cơ sở sản xuất giống với quy mô lớn, hiện đại, áp dụng các quy trình tiên tiến, tạo ra con giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nuôi cả nước. Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng với nhãn hiện chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” vừa công bố, với sự đồng hành, hỗ trợ của các ngành chuyên môn, có thể thấy rõ đang tạo ra động lực mới cho các DN cũng như cơ sở sản xuất tôm giống vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77