Lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương triển khai mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả thực tiễn sản xuất của nông dân như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa từ đầu năm 2018 đến nay đạt 3.651 ha; cánh đồng lớn đạt 1.548 ha; sản xuất rau an toàn áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm 355 ha tập trung ở xã An Hải 230 ha, Phước Hải 125 ha; sản xuất nho sạch, táo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; tận dụng lá nho táo cung cấp thức ăn nuôi dê, cừu vỗ béo. Ninh Phước cũng đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như sản xuất lúa giống 280 ha liên kết sản xuất giữa HTX với các hộ dân; sản xuất bắp nhân giống 680 ha tại 2 xã Phước Vinh, Phước Sơn; trồng 40 ha cây măng tây xanh liên kết giữa HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú với Công ty Linh Đan; liên kết Công ty Cổ phần CP nuôi heo tập trung quy mô 600- 2.000 con tại xã Phước Vinh và xã An Hải; liên kết Công ty Emivest nuôi gà lấy trứng quy mô 120.000 con tại xã Phước Vinh; liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp Triệu Tín với các tổ nhóm nuôi dê, cừu; nông dân trồng nho, táo VietGAP liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp Ba Mọi, Thiên Thảo…
Mô hình liên kết sản xuất bắp giống của nông dân xã Phước Vinh trong vụ đông- xuân vừa qua đạt năng suất, thu nhập cao, tạo tâm lý phấn khởi trong nông dân, góp phần nâng cao tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Lê Phúc Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An cho biết: HTX liên kết với các doanh nghiệp sản xuất 300 ha bắp nhân giống, thu hút 833 hộ thành viên tham gia. Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam canh tác 250 ha bắp nhân giống 8506S năng suất đạt bình quân 9 tấn/ha, tăng hơn 2 tấn so với năm trước, giá bao tiêu 8.700 đồng/kg; liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam sản xuất 50 ha bắp nhân giống LVN 14, bao tiêu sản phẩm với giá 8.500 đồng/kg. Sau khi hoàn tất mùa vụ trừ hết chi phí đầu tư, nông dân liên kết với các doanh nghiệp trồng bắp nhân giống có lãi ròng trên 35 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với trồng bắp thương phẩm.
Mô hình HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải) liên kết với Công ty TNHH Linh Đan trồng 40 ha măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Các nông hộ đưa giống măng tây xanh Atticus chất lượng cao vào canh tác, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Công ty hợp đồng thu mua sản phẩm măng tây xanh cho nông dân với giá 50 ngàn đồng/kg. Cây măng tây xanh cho lợi nhuận trung bình trên 500 triệu đồng/ha/năm, nông dân làm giàu từ tiềm năng lợi thế kinh tế địa phương. Nông dân trồng măng tây xanh đầu tư áp dụng mô hình tưới phun, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước với chi phí lắp đặt 3-4 triệu đồng/sào. Hệ thống tưới nước tiết kiệm giảm 30% điện năng, công lao động, phân bón so với tưới tràn; năng suất cây trồng tăng thêm 20- 30%. Nhờ áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm nên những vùng đất cát ở các xã An Hải, Phước Hải thiếu nước tưới trước đây được nông dân đầu tư trồng các loại rau xanh cho thu nhập cao.
Nông dân huyện Ninh Phước đã canh tác 700 ha táo và 430 ha cây nho. Đây là hai loài cây kinh tế chủ lực cho thu nhập cao, ít sử dụng nước tưới, được địa phương khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích canh tác phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn. Các nông hộ tận dụng lá nho, lá táo chăn nuôi vỗ béo dê, cừu với tổng đàn hiện nay lên 81.700 con. Ông Trần Văn Mót, ở thôn Phước Khánh (xã Phước Thuận) cho biết mô hình tổ nhóm nuôi dê, cừu vỗ béo của ông gồm có 12 hộ. Bà con liên kết tận thu lá nho, lá táo cắt cành chở về làm nguồn thức ăn dự trữ nuôi dê, cừu; vườn nho 4-5 năm tuổi cắt cành được 800- 1.000 kg lá/sào. Mỗi lứa, ông nuôi 15- 20 con dê đực cho ăn lá nho, chăm sóc chu đáo, sau 4-5 tháng xuất chuồng đạt trọng lượng trung bình 35 kg/con. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ mô hình nuôi dê, cừu vỗ béo giúp ông Mót và các thành viên trong nhóm có thu nhập trung bình 80-100 triệu đồng/năm, kết hợp canh tác hoa màu bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm...
Cấp ủy và chính quyền địa phương tích cực triển khai đưa Nghị quyết số 05- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuộc sống. Ninh Phước phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2016- 2020. Địa phương tổ chức thực hiện thí điểm và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất phát huy tốt hiệu quả, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu được nông dân đồng thuận cao. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục mở rộng các mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền vận động nông dân áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các mô hình hiệu quả vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, tích cực góp phần xây dựng huyện Ninh Phước đạt chuẩn nông thôn mới.
Mứt Tết ...
Đặc Sản Phan Rang ...
Lễ Hội Nho và Vang Phan Rang - Tháp Chàm- Ninh Thuậ ...
Địa Điểm Các Món Ăn Ngon Ở Phan Rang Ninh Thuận ...
Các địa điểm du lịch ở Phan Rang Ninh Thuận ...
Các Resort, Khu Nghỉ Dưỡng Cao Cấp Ở Phan Rang Nin ...
Các Khách Sạn Tiêu Biểu Ở Phan Rang Ninh Thuận ...