TIN TỨC

Lan tỏa tình thương cộng đồng

Lan tỏa tình thương cộng đồng

Trẻ em cần có không gian để học tập, vui chơi phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Với trẻ khuyết tật, một môi trường học tập có sự hỗ trợ của các thầy cô giáo và các phương pháp giáo dục khoa học lại càng có ý nghĩa hơn.

/truong-khuyet-tat

Trường khuyết tật Quảng Sơn

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, trong thời gian qua các đơn vị thiện nguyện, nhiều trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh ta đã có những ngôi trường học tập đúng nghĩa. Đó không chỉ là nơi các bậc cha mẹ có con em khuyết tật gửi gắm niềm tin mà còn là nơi lan tỏa tình thương với những “ngọn nến cong”.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận (Trung tâm) được thành lập từ năm 2015 hiện đang nuôi dạy 60 trẻ khuyết tật từ 3 đến 16 tuổi với các chứng bệnh: Khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, down, tự kỷ… Mỗi em khi bước vào Trung tâm đều trải qua các bước kiểm tra, đánh giá mức độ, chứng bệnh cụ thể nhằm tìm phương pháp trị liệu phù hợp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các thầy, cô giáo ở đây sẽ dễ dàng thực hiện công việc của mình theo từng bài giảng cụ thể. Chăm sóc, dạy dỗ cho các em nhỏ khuyết tật, mỗi ngày trôi qua với các thầy, cô giáo ở Trung tâm là khoảng thời gian đầy áp lực, khó khăn và thử thách. Họ luôn đối mặt với những tình huống bất ngờ. Có học sinh (HS) khi đến với Trung tâm không hề biết giao tiếp dù tuổi đã lên 10, 12. Có em chỉ mới 2 tuổi đã đọc vanh vách nhưng lại thường thu mình vào một góc… Mỗi em một chứng bệnh. Thế nhưng bằng tình yêu dành cho những đứa trẻ kém may mắn, ba năm qua, các thầy cô giáo ở Trung tâm đã không ngừng nỗ lực, kiên trì, nhẫn nại, tận tâm luôn đồng hành cùng các em trên hành trình tìm lại cuộc sống, xây dựng ước mơ, hoài bão. Một số em nhờ được can thiệp sớm nên phục hồi rất tốt. Một số em nay đã hòa nhập với môi trường bên ngoài và đến trường như những bạn trẻ khác. Đó sẽ là những tia sáng lấp lánh thắp lên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng đối với những em nhỏ khuyết tật.

Khi Trung tâm chưa ra đời, trên địa bàn tỉnh đã có hai ngôi trường được thành lập nhằm tạo môi trường cho các em nhỏ khuyết tật được học tập và vui chơi. Đó là Trường Khuyết tật Quảng Sơn do các nữ tu thành lập năm 2001 đóng trên địa bàn thôn La Vang 2, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) và Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) thành lập năm 2011. Hiện nay, dù chỉ với 9 cán bộ, giáo viên nhưng hai ngôi trường này đang chăm lo, dạy dỗ cho gần 90 em nhỏ khuyết tật. Các em đến với hai ngôi trường này đa phần là con em những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cha mẹ, anh chị em đều vất vả mưu sinh hằng ngày nên không có điều kiện để chăm sóc, dạy dỗ, chữa trị cho các em. Chưa nói đến việc được tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới, bài bản mang tính khoa học, với họ có một chỗ để gửi gắm con em mình là may lắm rồi. Sống trong những ngôi trường này, các em luôn được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ tránh được các vấn nạn bạo hành, lạm dụng và xâm hại.

Không chỉ là nơi dạy dỗ, giáo dục cho các em những kỹ năng cần thiết để hòa nhập cộng đồng, sự ra đời của những ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật đã trở thành địa chỉ nhân đạo để các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tìm đến giúp đỡ cho những đứa trẻ không may mắn. Hằng năm, có rất nhiều đoàn từ thiện đến đây trao cho các em những món quà ý nghĩa, ấm áp tình người. Ngoài ra, các em còn được hưởng nhiều chế độ chính sách khác. Ông Tôn Thất Nhật, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho biết: Tất cả các phụ huynh có con em tham gia học tập tại Trung tâm đều được phổ biến các quyền lợi dành cho trẻ khuyết tật. Ngoài chế độ bảo trợ hàng tháng chi trả tại địa phương, hiện nay, Trung tâm có 10 em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng mức trợ cấp học bổng bằng 80% mức lương cơ bản theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC cũng như các khoản hỗ trợ mua sắm đồ dùng học tập khác.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77