TIN TỨC

Nông dân Ninh Thuận thoát nghèo nhờ trồng cây nha đam

Nha đam còn có tên khác là lô hội, là loại cây trồng cạn, rất phù hợp với vùng đất cát và cát pha ven biển có nhiều nắng như ở Ninh Thuận. Nhờ kháng bệnh tốt, nên trong quá trình chăm sóc, nông dân không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần làm cỏ, tưới nước và bón phân là đủ, chi phí đầu tư thấp.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết, trong những năm gần đây, cây nha đam là cây trồng hiệu quả trên địa bàn tỉnh và có thể nói đây là cây trồng có lợi thế. Nếu nông dân làm đúng quy trình, lợi nhuận thu về 350 - 600 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, tỉnh đã đưa nha đam vào danh mục 12 sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh.

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 333 ha nha đam. Diện tích tập trung chủ yếu ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước. Cây trồng này đã giúp nhiều nông dân địa phương thoát nghèo vươn lên khấm khá và được xác định là cây trồng hiệu quả trên vùng nắng gió này.

Gia đình anh Trần Văn Lương ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm chuyên canh cây nha đam từ 6 năm qua. Từ khu vườn rộng 1 ha trồng rau màu và hành tỏi, anh cải tạo lại đất, chuyển qua trồng nha đam. Vốn đầu tư ban đầu cho việc xây mương nước và mua cây giống khoảng 50 triệu đồng.

Sau mười tháng chăm sóc, nha đam cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tiếp đó, vườn nha đam của gia đình lại đều đặn cho thu hoạch mỗi tháng một lần cho tới bây giờ. Tính trung bình mỗi năm thu hoạch 12 lứa với sản lượng trên 500 tấn.

Anh Lương cho biết, sau khi trừ chi phí đầu tư chăm sóc, mỗi năm thu nhập được khoảng 300 triệu đồng/ha. Từ ngày có cây nha đam, cuộc sống cũng ổn định hơn.

Vào mùa nắng khi nhu cầu cao, giá nha đam tươi bán tại vườn luôn ở mức 1.500 đồng – 1.600 đồng/kg. Còn vào mùa mưa thì bán khoảng 900-1.000 đồng/kg. Với khung giá này, nông dân luôn có lãi. Theo các thương lái, hiện nay nhu cầu đối với sản phẩm từ cây nha đam ngày càng tăng giúp cho thị trường tiêu thụ nha đam tươi ổn định hơn trước.

Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây nha đam của tỉnh sẽ đạt trên 500 ha. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp địa phương còn phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ thuật tăng năng suất, đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77