TIN TỨC

Mô hình liên kết chăn nuôi được nhân rộng

Mô hình liên kết chăn nuôi được nhân rộng

Tỉnh ta đang dần phát triển nghành chăn nuôi thoát khỏi hình thức nhỏ lẻ, ngày càng có nhiều hộ liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi khép kín, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

/chan-nuoi

Liên kết chăn nuôi

Đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi heo ở tỉnh ta cách đây vài năm, đến nay công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có 43 hộ liên kết với công ty nuôi chăn nuôi khoảng 50.000 con. Hình thức nuôi gia công được công ty cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, bao tiêu sản phẩm đã khuyến khích nhiều hộ tham gia. Với ưu điểm là giải tỏa được nỗi lo lệ thuộc vào thương lái mỗi lần heo xuất chuồng, mô hình nhanh chóng được nhân rộng, nhiều hộ coi đây là hướng làm giàu mới, nên không ngần ngại đầu tư xây dựng trang trại ký kết với công ty nuôi heo số lượng lớn. Bác Ái được đánh giá là địa phương có phong trào nuôi heo gia công cho Công ty CP phát triển khá mạnh, toàn huyện hiện có 8 trang trại, tổng đàn lên tới hàng ngàn con, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Sau một thời gian phát triển khá rầm rộ, đến nay phong trào bị chững lại bởi phía doanh nghiệp đưa ra các ràng buộc về diện tích đất, chuồng trại, khiến nhiều nông hộ không đáp ứng được. Để được công ty hợp đồng ký ổn định 5 năm/lần, hộ nuôi phải có quỹ đất khoảng 1 ha, chi phí xây chuồng trại hết tiền tỷ, tổng đàn nuôi tối thiểu 1.000 con. Đầu tư cho sản xuất là tốn kém, nhưng hộ nuôi không tự quyết định được giá bán (do công ty ấn định), nên hình thức chăn nuôi này tuy có an toàn, nhưng lợi nhuận thấp, dẫn đến một số hộ nuôi không mấy mặn mà. Nếu chẳng may heo rớt giá, phần thiệt “nghiêng” nhiều về hộ nuôi, bởi giá thức ăn phía công ty giảm không đáng kể, trong khi giá thịt thương phẩm thả nổi theo thị trường ở thời điểm hiện tại. Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại (Bác Ái), cho biết: Trong tình hình chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, thì hình thức nuôi gia công là giải pháp an toàn, tuy nhiên các hộ phải có vốn, mặt bằng rộng và nuôi số lượng lớn mới có thu nhập. Mô hình liên kết này đang dần bộc lộ những hạn chế, đòi hỏi phải có sự đồng hành của chính quyền địa phương và ngành chức năng, tạo điều kiện về đất đai, vốn cho hộ nuôi thì mới duy trì và nhân rộng mô hình được.

Bước đầu việc thực hiện liên hết trong chăn nuôi còn gặp một số khó khăn, tuy nhiên đây là xu thế tất yếu trong nền nông nghiệp hàng hóa, nông dân không thể tách rời được. Hiện nay, có một số mô hình liên kết chăn nuôi mà doanh nghiệp không yêu cầu quá khắc khe về các điều kiện thực hiện, cũng như vốn đầu tư thấp, nông dân có thể lựa chọn hợp tác làm ăn lâu dài. Mô hình nông dân liên kết với Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín nuôi dê, cừu vỗ béo đang phát triển rất mạnh. Cũng như nuôi heo gia công, mô hình nuôi dê, cừu vỗ béo được doanh nghiệp đầu tư con giống, bao tiêu sản phẩm, chỉ khác là đối tác không đòi hỏi nông dân tăng đàn ở quy mô lớn, các hộ chỉ cần số tiền vài triệu đồng làm chuồng, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp nuôi số lượng vài chục con là đảm bảo có thu nhập ổn định. Tại thôn Nho Lâm, xã Phước Nam (Thuận Nam), cách đây 4 năm chỉ có 15 hộ thực hiện mô hình liên kết nuôi dê, cừu vỗ béo, đến nay tăng lên hàng trăm hộ. Anh Trương Văn Lâm, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Nho Lâm, cho biết: Ưu điểm của mô hình là đầu tư ít nhờ tận dụng được lá nho, táo có sẵn quanh vùng làm thức ăn cho vật nuôi. Chu kỳ quay vòng nhanh, sau 3 tháng vỗ béo dê, cừu xuất chuồng, trọng lượng mỗi con đạt từ 30-35 kg. Đến nay, mô hình đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, nhiều hộ không những thoát nghèo, mà còn vươn lên khá giả nhờ liên kết với doanh nghiệp nuôi dê, cừu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ngành chăn nuôi gần đây có bước phát triển tích cực, chuyển dịch sang hướng tập trung, sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng Đề án Quy hoạch, cơ cấu lại ngành chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đề án ưu tiên sản phẩm đặc thù, theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, tận dụng các nguồn thức ăn trong tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu đến năm 2020 tổng đàn bò đạt 140.000 con, tổng đàn dê, cừu 100.000 con của ngành chức năng đưa ra là khuyến khích nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Tín hiệu đáng mừng là ngoài các mô hình liên kết nuôi heo, nuôi dê, cừu, thì hiện nay đang dần hình thành mối liên kết nuôi bò thịt, bò sữa, hứa hẹn thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển lên tầm cao mới.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77