TIN TỨC

Di sản văn hóa Ninh Thuận cần được bảo tồn và phát huy

Di sản văn hóa Ninh Thuận cần được bảo tồn và phát huy

Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa (DSVH) vật thể và phi vật thể trong những năm quacủa tỉnh đã được triển khai có hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời các DSVH cũng đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch đang được khai thác có hiệu quả

/di-tich-quoc-gia

Di tích tháp Po Klong Garai được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Được đánh giá là một vùng đất chứa đựng nền văn hóa vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của cộng đồng các dân tộc anh em. Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn tỉnh là việc làm cấp thiết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Công tác tu bổ tôn tạo di tích được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm huy động được nhiều nguồn lực từ Trung ương, địa phương và từ cộng đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, lễ hội trọng điểm. Tăng cường, đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về DSVH. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về DSVH. Phối hợp với các tổ chức, cơ quan chuyên môn trong nước và quốc tế tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để đưa ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị DSVH hiệu quả. Tổ chức sắp xếp, bồi dưỡng nâng cao năng lực bộ máy quản lý các di tích từ tỉnh đến xã, phường bằng việc phân cấp quản lý, tinh gọn bộ máy, gắn trách nhiệm quản lý di tích với các ngành, địa phương với thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII về lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, tỉnh ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 147 di tích văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 DSVH được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đó là nhóm đền tháp Pô Klong Garai và nhóm đền tháp Hòa Lai. 2 DSVH Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc và Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia. Tỉnh cũng đã tập trung công tác xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm tỉnh Ninh Thuận đệ trình UNESCO ghi danh tại Danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp...

Sự “bắt tay” kết nối giữa các DSVH với du lịch đang ngày càng cho thấy hiệu quả “kép”. Lễ hội Ka tê, cụm di tích tháp Chăm, các làng nghề truyền thống Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp… đã trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Đơn cử như nhóm đền tháp Pô Klong Garai được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016, lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan tăng “2 con số” hằng năm. Nếu như năm 2015, phí tham quan thu được vài trăm triệu đồng, đến cuối năm 2016 phí tham quan đạt gần 1,27 tỷ đồng; năm 2017 đạt 1,76 tỷ đồng; dự kiến năm 2018 ước đạt trên 2 tỷ đồng. Những kết quả đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH cả vật thể và phi vật thể là rất to lớn, góp phần trùng tu, tôn tạo, bảo tồn được nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp. Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo nên nguồn nội lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh và các địa phương.

Nhằm giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trong tỉnh được bền vững, lan tỏa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đối với từng di tích, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân nhằm từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch, lộ trình, quy trình, thủ tục, các tiêu chí theo quy định, nghiên cứu và làm rõ giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với hệ thống tháp Chăm các tỉnh miền Trung để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới trong những năm tới; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình Tổ chức UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới. Tham mưu xây dựng kế hoạch lập 6 hồ sơ khoa học di sản văn hóa trình các cấp xếp hạng nhằm hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đã đề ra. Thực hiện tốt công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích tháp; sưu tầm bổ sung hiện vật văn hóa Chăm, phát hành tờ gấp quảng bá về di tích tháp Pô Klong Garai. Phấn đấu giai đoạn 2016-2020, ước thực hiện thu phí tham quan trên 8,7 tỷ đồng, bình quân doanh thu 1,74 tỷ đồng/năm, tỷ lệ phát triển bình quân khoảng 10% trên doanh thu phí và lệ phí.

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77