TIN TỨC

Tỉnh Ninh Thuận vượt qua khó khăn duy trì phát triển kinh tế

Tỉnh Ninh Thuận vượt qua khó khăn duy trì phát triển kinh tế

Theo tinh thần nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành và triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, nhờ đó nền kinh tế của tỉnh đã có những chuyển động tích cực.

/canh-dong-lon

Áp dụng mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất vụ Đông -Xuân

Nhiều chỉ tiêu đạt tăng trưởng khá

Các chỉ tiêu đạt được của 5 tháng đầu năm là lĩnh vực nông nghiệp, với tổng diện tích gieo trồng vụ đông – xuân 26.193 ha, tăng 3,5% so cùng kỳ; trong đó, năng suất lúa đạt 64,5 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha; sản lượng đạt 109.495 tấn, tăng 3,7% so với vụ đông – xuân trước. Hiện nông dân trong tỉnh đang triển khai sản xuất vụ hè – thu, với tổng diện tích dự kiến 21.213 ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa 12.593 ha, cây màu 8.674ha.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm của nông dân, trong vụ đông-xuân, toàn tỉnh đã thực hiện được 558,8 ha/549,1 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn, tiêu thụ ít nước như bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi..., đạt 101,8% kế hoạch. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 9 cánh đồng lớn với diện tích 976,05 ha/1.424 ha. Lĩnh vực thủy sản tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả, trong đó: sản lượng khai thác ước đạt 8.650 tấn, nâng tổng sản lượng trong 5 tháng đạt trên 40.969 tấn, tăng 12,1%; nuôi trồng thủy sản đã thả nuôi được 236 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 1.405,2 tấn/75,6 ha, đạt 90,2%; sản xuất giống thủy sản ước đạt 2.568 triệu con, tăng 71,5% so cùng kỳ.

Về sản xuất công nghiệp, nhìn chung giữ tốc độ tăng trưởng khá, với chỉ số sản xuất trong tháng 5 ước tăng 13,3%, nâng lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là công nghiệp khai khoáng nhờ thời tiết thuận lợi cho sản xuất khai thác muối biển nên sản lượng ước đạt 44,7 ngàn tấn, tăng 3,34 lần so với cùng kỳ. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, trong tháng có 41 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 590 tỷ đồng, tăng 24,2%, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm lên 197 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 5.287 tỷ đồng, tăng 12,6% doanh nghiệp và vốn đăng ký tăng 2,1 lần so với cùng kỳ.

Giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 3,82% so với cùng kỳ; bình quân 5 tháng CPI tăng 3,45%. Thu ngân sách ước đạt 200 tỷ đồng, nâng lũy kế 5 tháng đầu năm lên 979 tỷ đồng, đạt 42,56% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.637,88 tỷ đồng, tăng 14,22%; trong đó, lĩnh vực thương nghiệp đạt trên 1.250 tỷ đồng, tăng 14,22%; khách sạn – nhà hàng, du lịch lữ hành đạt 247,5 tỷ đồng, tăng gần 15% và ngành dịch vụ đạt 140 tỷ đồng, tăng 12,90% so với cùng kỳ. Hoạt động tiền tệ, ngân hàng nhìn chung ổn định và tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các đối tượng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Các công tác đầu tư phát triển tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, tiến độ giải ngân trong 5 tháng 498 tỷ đồng, đạt 36,9% kế hoạch. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương 205 tỷ đồng, đạt 43,9% kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu 272 tỷ đồng, đạt 46%; vốn chương trình mục tiêu quốc gia 9 tỷ đồng, đạt 11,9%; vốn trái phiếu Chính phủ 12 tỷ đồng, đạt 5,6%. Ngoài ra, trong tháng UBND tỉnh còn tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc; tổ chức gặp mặt doanh nghiệp theo định kỳ tháng 5...

Khắc phục khó khăn để phát triển

Mặc dù kinh tế của tỉnh từ đầu năm đến nay có nhiều chuyển biến đáng kể, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, nhất là sự phát triển không đồng đều của một số ngành kinh tế. Cụ thể, trong sản xuất công nghiệp còn nhiều sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Nhân hạt điều do thiếu nguyên liệu và giá nguyên liệu cao đã tác động giảm 24,5%; đá xây dựng do tình hình tiêu thụ các công trình giao thông hạn chế ảnh hưởng giảm 15,4%; điện sản xuất do phải dự trữ nước cho sản xuất nông nghiệp nên tác động giảm 6,8%; nguồn thu từ tài nguyên đất còn thấp; kế hoạch gieo trồng kéo dài dẫn đến lệch vụ, ảnh hưởng kết quả sản xuất, cũng như năng suất cây trồng...

Nhằm tiếp tục duy trì ổn định kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm, tại cuộc họp thường kỳ tổ chức vào ngày 5-6 vừa qua, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung đánh giá làm rõ những nguyên nhân, hạn chế. Từ đó, có giải pháp chỉ đạo tháo gỡ cụ thể, phù hợp để khẩn trương khắc phục, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường; công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án; quy hoạch xây dựng; công tác thu, chi ngân sách; quản lý giao thông, quản lý dịch bệnh; phát triển giáo dục, y tế….

Phương châm hành động trong năm 2018 của UBND tỉnh đó là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” để các sở, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 6 mà UBND tỉnh đã đề ra để chủ động chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, xử lý có hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ký quỹ các dự án, nhất là các dự án trong lĩnh vực năng lượng. Đối với sản xuất nông nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý không được chủ quan trước mọi tình hình, mặc dù trời đã có mưa, nhưng tính đến ngày 31-5-2018, lượng nước tích của 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ còn 99,59 triệu m3, đạt 51,2% dung tích thiết kế. Tại hồ Đơn Dương lượng nước còn 58,81 triệu m3, đạt 35,64% dung tích thiết kế; lưu lượng nước vào hồ 12 m3/s và đang xả với lưu lượng 20,43 m3/s. Do đó, tỉnh chỉ đạo trong kế hoạch gieo trồng vụ hè – thu các địa phương phải theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, lượng nước trên các hồ đập để thực hiện sản xuất gắn với triển khai công tác chống hạn có hiệu quả, nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất.

Các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các quy định trong công tác quản lý tài chính, tăng nguồn thu ngân sách, phát triển du lịch, cải cách hành chính, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Triển khai đồng bộ các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân; các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo ngay tại địa phương, nhất là khiếu nại đông người liên quan đến đất đai…, với quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77