TIN TỨC

Tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ đang dần được hiện đại hóa

Tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ đang dần được hiện đại hóa

Lĩnh vực khai thác hải sản của tỉnh ta trong những năm gần đây đang phát triển khá mạnh, theo dự kiến năm 2017 đạt 95.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2016. Những yếu tố chủ yếu tạo nên thành công được xác định là nhờ tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt tổ chức sản xuất, chú trọng hỗ trợ ngư dân nâng cao năng lực tàu thuyền theo hướng hiện đại để vươn khơi khai thác xa bờ.

/ngu-dan

Hiện đại hóa tàu thuyền cho ngư dân

Được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi từ chính sách phát triển thủy sản, ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư đóng mới phương tiện đánh bắt, năng lực tàu cá nhờ đó có chuyển biến cả về cơ cấu và số lượng, tăng nhanh tàu công suất lớn. Đến tháng 10-2017, toàn tỉnh có 2.774 tàu cá, với tổng công suất 399.307CV; trong đó, có 372 tàu công suất từ 90-700 CV được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia khai thác vùng biển xa, góp phần nâng cao sản lượng đánh bắt. Hình thức tổ chức khai thác trên biển cũng đã được cơ cấu lại theo hướng liên kết các tổ, nhóm, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ trước đây.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, đến nay ngư dân trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 162 Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, với 918 tàu cá tham gia, qua đó đã duy trì hoạt động khai thác thường xuyên trên biển, hiệu quả tăng. Nhóm tàu làm nghề pha xúc tập trung chủ yếu ở xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam), Thanh Hải (Ninh Hải) những năm gần đây luôn khai thác đạt sản lượng cao hơn nhiều lần so với hình thức thai thác nhỏ lẻ trước đây. Nhóm tàu nghề vây rút chì cũng tích cực liên kết trong tìm kiếm ngư trường, tăng thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng. Đặc biệt, nhóm tàu lưới rê nilon hoạt động ở vùng biển Trường Sa, DK1 khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao.

Ngư dân trong tỉnh đang dần hiện đại hóa tàu cá khi có sự hỗ trợ chuyển giao các mô hình áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Tiêu biểu như việc chuyển giao mô hình cải tiến nghề vây rút chì bằng cách tăng chiều dài vành lưới, mở chiều cao và sắp xếp lại thông số kỹ thuật hợp lý làm tăng hiệu quả khai thác lên từ 1,2-1,5 lần so với trước khi chưa cải tiến. Mô hình cơ giới hóa lưới rê, ứng dụng máy dò ngang, ứng dụng công nghệ đèn Led… trong khai thác hải sản với ưu điểm vượt trội về khả năng phát hiện đàn cá, giảm chi phí sản xuất cũng đã được nhân rộng trên toàn tỉnh. Anh Nguyễn Toàn, ở xã Thanh Hải (Ninh Hải), phấn khởi nói: Năm 2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, tôi trang bị máy dò ngang CH37 hãng Puruno, góc phát 45%, với giá 550 triệu đồng. Nhờ ứng dụng thiết bị hiện đại trên tàu cá công suất 500CV, hiệu quả khai thác tăng, doanh thu trung bình mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 50 lao động.

Hiện nay nghành nghề khai thác hải sản đang chuyển dịch theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ, những nghề gây hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Hướng tới sản xuất bền vững, tỉnh khuyến khích phát triển nghề vây khơi, câu cá ngừ, câu mực, nhằm thay đổi cơ cấu sản phẩm khai thác theo hướng tăng sản lượng hải sản có giá trị xuất khẩu. Chú trọng phát triển đội tàu khai thác xa bờ nhằm tạo sự đột phá trong nâng cao thu nhập cho ngư dân là chủ trương đúng của tỉnh trong bối cảnh ngư trường ven bờ ngày càng cạn kiệt. Quá trình thực hiện đang gặp khó khăn về thiếu nguồn lực lao động, nhất là lao động có trình độ chuyên môn. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển năng lực tàu cá, lực lượng lao động trên biển đòi hỏi không ngừng tăng, nhưng trong tỉnh chưa đáp ứng đủ. Vụ cá Nam và cá Bấc năm 2017, các Tổ đoàn kết khai thác xa bờ nhận nhiều thanh niên ngoài tỉnh làm việc trên tàu cá, nhưng số lao động này chưa qua đào tạo, thiếu kinh nghiệm làm nghề đang đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho ngành chức năng, các địa phương sớm đề ra giải pháp khắc phục. Hiện toàn tỉnh có khoảng 16.000 lao động làm việc trên tàu cá, nhưng chỉ có 8.860 qua đào tạo nghiệp vụ, được cấp chứng chỉ nghề, chiếm 29,9%. Theo đồng chí Nguyễn Văn Huỳnh, để phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng vươn khơi cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đủ năng lực giúp dân triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa đội tàu; đồng thời, thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho thanh niên vùng biển có kiến thức sâu rộng để làm chủ công nghệ mới.

Ngư dân tỉnh ta ngày càng chủ động hơn trong đầu tư nâng cao năng lực tàu thuyền, tìm kiếm ngư trường, chuyển từ khai thác vùng lộng ra vùng khơi. Với những chính sách hỗ trợ phát triển nghề cá đang được triển khai thực hiện sâu rộng sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân bám biển làm giàu, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77