TIN TỨC

Nghề nuôi ốc hương cần phải phát triển bền vững

Nghề nuôi ốc hương cần phải phát triển bền vững

Nếu năm 2015, diện tích nuôi ốc hương toàn tỉnh có 29 ha, thì năm 2016, diện tích đã tăng đến 111,55 ha. Con ốc hương đang được coi là đối tượng nuôi triển vọng mà các hộ nuôi tôm thương phẩm thất bại chọn chuyển đổi. Tuy nhiên trước sự phát triển ồ ạt của nghề nuôi nuôi ốc hương, đã có ý kiến lo ngại về vấn đề môi trường và tính bền vững của đối tượng nuôi. Thực hư vấn đề này ra sao?

/ao-nuoi-oc

Ao nuôi ốc hương của người dân

 Hiện tượng ốc ”đơ”

Ốc hương được nuôi tập trung ở các vùng nuôi trồng thủy sản Ninh Hải và Thuận Nam trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 90 ha nuôi trên cát trải bạt tại vùng nuôi tôm Từ Thiện, Vĩnh Trường, Bắc Sơn Hải (xã Phước Dinh, Thuận Nam), riêng thôn Từ Thiện có 50 ha ao nuôi, dẫn đầu diện tích nuôi ốc hương trong tỉnh. Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi trở lại Từ Thiện và được biết vùng nuôi ốc hương đang bị thiệt hại một số diện tích do hiện tượng ốc “đơ”. Theo người nuôi địa phương, khi mưa xuống nhiều, ốc không lớn được và nổi lên mặt nước nên gọi là ốc “đơ”; vớt lên thu hoạch non, nhiều con ốc ngâm nước vẫn ngậm chặt không nhả cát. Anh Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn Từ Thiện cho biết: “Trước Tết, vì liên tục có nhiều cơn mưa lớn nên đã có khoảng 60% diện tích ao đìa nuôi ốc hương bị thiệt hại. Sau Tết, các ao tiếp tục thu hoạch nhưng đa số hộ nuôi ốc hương còn dè chừng thời tiết chưa dám thả nuôi”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết do ốc hương “đơ”, có nhiều hộ nuôi lớn ở Từ Thiện mất trắng, chẳng hạn cơ sở nuôi Tấn Bình, hộ bà Lê Thị Bích Hương. Người nuôi địa phương ước tính nếu không bị ốc “đơ”, các hộ trên thu hoạch trước Tết có thể lãi trên 1 tỷ đồng.

Anh Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh giải thích: “Điều này không có gì lạ, ốc hương vốn rất nhạy cảm với môi trường, những thay đổi nhỏ đều có ảnh hưởng tới sinh trưởng. Người nuôi đã được chi cục tập huấn về biện pháp phòng chống từ lâu, nhưng có lẽ bà con quên hoặc không ứng dụng nên dễ bị thiệt hại”. Theo anh Tuân, nếu mưa nhỏ có thể làm nhiệt độ trên mặt nước ao giảm nên người nuôi cần chạy quạt để đảo đều nước. Trong trường hợp mưa lớn, người nuôi phải xả nước tầng trên để khỏi loãng độ mặn, nếu ốc có dấu hiệu chết nhiều thì phải quay quạt để điều hòa nhiệt độ và giữ ổn định độ mặn. Tóm lại, đây không phải là hiện tượng bệnh của ốc hương, chỉ cần kiểm soát được môi trường nước nuôi là tránh được tình trạng ốc “đơ”.

Môi trường nước không ô nhiễm

Ngoài 11,6 ha đang thu hoạch, trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 64,9 ha diện tích ốc hương đang nuôi, trừ 3,5 ha mới thả nuôi giữa tháng 2, hầu hết ốc nuôi còn lại ở giai đoạn trên 3 tháng tuổi, chủ yếu tập trung tại khu vực nuôi trên cát Từ Thiện, Vĩnh Trường. Khi khởi đầu nuôi, do mùi hôi đặc trưng của ao nuôi ốc hương, nhiều hộ nuôi tôm lân cận sợ rằng ao đìa nuôi ốc hương lẫn lộn trong vùng sẽ làm ảnh hưởng nghề nuôi tôm. Song qua một thời gian nuôi đã chứng minh việc nuôi xen ốc hương trong vùng nuôi tôm không gây ảnh hưởng gì, ngược lại còn là yếu tố quan trọng góp phần cải tạo ao đìa, môi trường vùng nuôi. Anh Bùi Xuân Thái, một người nuôi tôm trong vùng Từ Thiện thừa nhận những đìa nuôi ốc hương sát bên đìa anh không gây ô nhiễm. Trong thực tế, các ao đìa nuôi ốc hương phải thay nước hằng ngày nên nước luôn sạch, thức ăn cho ốc hương dù tươi sống nhưng không bao giờ bỏ thừa trong ao nên không gây ô nhiễm.

Ngay từ khi khởi phát nghề nuôi ốc hương, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh trước đây đã hướng dẫn các hộ nuôi ốc hương trên cát thu gom, xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường xung quanh và thường xuyên giám sát chặt chẽ. Đến nay chưa có bằng chứng nào về tác động xấu của nghề nuôi ốc hương đến nuôi tôm, thay vào đó việc chuyển đổi đối tượng nuôi như ốc hương còn giúp cải tạo môi trường ao. Điều đáng lo chính là giá cả đầu ra. Năm 2015, ốc hương với giá bán khá cao, dao động 180.000-220.000 đồng/kg (loại 130 con/kg), hầu hết người nuôi đều có lãi; ở Từ Thiện, trung bình với diện tích nuôi 5 sào, có nhiều người lãi 2-3 tỷ đồng. Thế nhưng, năm ngoái có thời điểm ốc hương bị tư thương ép chỉ còn giá 120.000-130.000 đồng/kg, tức ngang với giá thành sản phẩm nên người nuôi không có lãi. Tuy nhiên sau Tết giá tăng trở lại, hiện đang ở mức bán 220.000 đồng/kg (loại 130-140 con/kg).

Tuy đầu tư vốn gấp đôi nuôi tôm nhưng với mức giá 220.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập gấp 2,3 lần và không sợ bị rủi ro do dịch bệnh. Từ hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, theo anh Dư Ngọc Tuân, để phát triển bền vững nghề nuôi ốc hương, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến khích và định hướng người nuôi tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo chiều sâu, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đồng thời cần liên kết nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, tránh để tư thương ép giá như năm qua.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77