TIN TỨC

GIA TĂNG RỐI LOẠN TÂM THẦN DO STRESS Ở NGƯỜI TRẺ.

Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế, cả nước có đến 15% dân số có các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các rối loạn lo âu, trầm cảm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Đáng báo động khi số người bị stress ngày càng có chiều hướng gia tăng và phần lớn trong độ tuổi lao động. Có nhiều nguyên nhân khiến các bệnh về tâm thần gia tăng, trong đó nguyên nhân chính là do sức ép trong công việc, học tập, sự nghiệp...

Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần, phổ biến là lo âu, stress, trầm cảm... trong đó có khoảng 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Trong 10 bệnh tâm thần thường gặp như trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, stress, tâm thần phân liệt..., bệnh nhân dưới 30 tuổi chiếm tới 40%.

Căn bệnh stress của giới trẻ là phản ứng cảm xúc đối với cuộc sống.

Đáng chú ý, rối loạn liên quan tới stress khó phát hiện vì có triệu chứng trùng lặp với bệnh khác, nên có 30% - 50% số bệnh nhân không được phát hiện đúng bệnh khi đi khám ở y tế cơ sở, hoặc bệnh viện đa khoa. Đa số bệnh nhân thường đi khám tại các chuyên khoa tim mạch, thần kinh trước khi được tư vấn về bệnh tâm lý.

Nhiều người trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não nên việc điều trị không hiệu quả, càng khiến người bệnh thêm căng thẳng. Hơn nữa, cũng vì không phát hiện ra căn nguyên của bệnh và điều trị không khỏi mà nhiều người bệnh chuyển sang việc chữa bệnh bẳng các hình thức mê tín dị đoan và rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Theo TS Dương Minh Tâm có 2 thể stress. Một là, stress bệnh lý cấp tính xuất hiện từ tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể, như: người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm… Khi đó, người bệnh có sự hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể. Hai là, stress bệnh nguyên: bệnh phát sinh từ sức ép trong cuộc sống, công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội hay thiệt hại về kinh tế khiến nhiều người chịu áp lực nặng nề, luôn có tâm thế phải đối mặt với thách thức, căng thẳng, lo âu.
Trước thực tế đó, stress sinh ra để giúp cơ thể thích nghi. Tuy nhiên cần lưu ý, stress có gây bệnh hay không phụ thuộc nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách bản thân mỗi người. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh và nếu có bệnh thì cũng dễ khỏi bệnh.

Với người có nhân cách yếu hoặc tính cách chi li, cầu toàn thì có thể mắc bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.

Để chống lại những stress do những áp lực trong cuộc sống hiện đại, các bác sĩ khuyến cáo mỗi cá nhân nên tìm cho mình một môn thể thao, cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Cùng với đó cần có lối sống, tư duy tích cực; khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thoái mái và thân thiện.
Trong trường hợp nếu cơ thể đột nhiên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch như hồi hộp mà không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được khám, tư vấn.

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77