TIN TỨC

Ứng dụng công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch ngày càng có nhiều triển vọng

Ứng dụng công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch ngày càng có nhiều triển vọng

 

Gần đây sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, các loại cây trồng đặc thù tăng mạnh cả về diện tích và sản lượng. Từ đầu năm đến nay, nông dân trồng mới 131 ha nho, nâng tổng diện tích nho trên toàn tỉnh lên 1.272 ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

/bao-quan-nho

Bảo quản chế biến nho tại DNTN Ba Mọi

Ngoài cây nho ra thì diện tích cây táo, măng tây xanh cũng tăng, đang là tín hiệu đáng mừng khi sản xuất nông nghiệp hướng trọng tâm vào phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, giúp hàng nông sản tăng thêm cơ hội vươn ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Doanh nghiệp SX-TM-DV Ba Mọi chính là tiên phong trong lĩnh vực này, công ty đã đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt dây chuyền sơ chế, đóng gói nho sạch đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.Tuy đều là trái nho, nhưng qua sơ chế, đóng gói, bảo quản, đưa vào siêu thị giá trị tăng lên 30% so với nho tươi bán tại vườn. Nhờ thực hiện tốt khâu sơ chế, Doanh nghiệp Ba Mọi ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động, sản phẩm của đơn vị có mặt trong hệ thống siêu thị Co.op Mart ở TP.Hồ Chí Minh và chuỗi cửa hàng Bác Tôm ở Hà Nội. Để có nguồn hàng ổn định cung cấp cho đối tác, đơn vị liên kết với nông dân sản xuất 50 ha nho an toàn, xây dựng đội ngũ nhân viên thực hiện khép kín các công đoạn trồng, sơ chế, vận chuyển, tạo được niềm tin với người tiêu dùng trong cả nước.

Tiến hành đầu tư vào công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch đã nâng cao giá trị gia tăng, nên khuyến khích được một số doanh nghiệp áp dụng. Tuy mới tham gia lĩnh vực này vào đầu tháng 7, nhưng Công ty TNHH SX-TM Nông sản Thái Thuận đã bứt phá vươn lên nhờ được Nhà nước hỗ trợ chuyển giao công nghệ sơ chế, bao gói, bảo quản nho, táo bằng màng MAP, với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Loại màng bảo quản này được sản xuất theo công thức đặc biệt, giúp giữ kín lòng túi, trái cây bao gói tươi ngon suốt 50 - 60 ngày. Theo ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Nông sản Thái Thuận: Sử dụng công nghệ bảo quản bằng màng MAP chi phí tăng thêm khoảng 25 ngàn đồng/tạ quả, nhưng cái được lớn hơn nhiều là doanh nghiệp chủ động thu mua, bảo quản nho với khối lượng lớn, vận chuyển tiêu thụ xa hàng ngàn km. Công nghệ bảo quản mới còn giúp nông dân mở rộng diện tích các loại cây trồng đặc thù, hướng tới xây dựng cánh đồng lớn. Anh Nguyễn Văn Tân, ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), cho biết: Tôi trồng nho lâu năm, không ít lần lâm vào cảnh “được mùa mất giá”. Sau khi đầu tư dây chuyền bảo quản sau thu hoạch, doanh nghiệp Thái Thuận mua nho, táo của nông dân với khối lượng tăng gấp đôi so với trước, tạo được sự phấn khởi cho nông dân an tâm sản xuất bởi không phải lo tồn hàng nông sản vào thời điểm chính vụ.

Công nghệ bảo quản sau thu hoạch được chuyển giao góp phần tạo chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm đặc thù của tỉnh, mở ra hướng đi mới, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Việc Công ty TNHH SX-TM Nông sản Thái Thuận ứng dụng công nghệ sơ chế, bao gói, bảo quản nho, táo bằng màng MAP thành công đã thôi thúc Công ty TNHH Lin Đan Ninh Thuận hướng tới sử dụng công nghệ này để bảo quản sản phẩm măng tây xanh. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc công ty, cho biết: Măng tây xanh là loại cây có giá trị kinh tế cao, đầu ra rộng. Nhiều siêu thị trong cả nước đặt hàng mua măng tây xanh với số lượng lớn, nhưng đơn vị chỉ cung cấp được khoảng 50% nhu cầu của khách hàng do thiếu công nghệ kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nếu công nghệ màng MAP áp dụng được cho mặt hàng măng tây xanh, thì Ninh Thuận sẽ khai thác được lợi thế vùng đất cát ven biển để phát triển loại rau cao cấp này, góp phần vào giải quyết việc làm, đảm bảo cuộc sống cho nông dân trong khu vực.

 

Các bài viết liên quan

0949965377
Zalo 094.99.653.77